Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Khả năng cải thiện nghịch cảnh - Nassim Nicholas Taleb


Khả năng cải thiện nghịch cảnh - Hưởng lợi từ hỗn loạn của tác giả Nassim Nicholas Taleb

.... Lời Nhà xuất bản ....

Người ta không cần có bằng cấp về vật lý mới cưỡi được xe đạp. Tương tự, Nassim Nicholas Taleb nhận ra những người môi giới chứng khoán không cần biết các định lý toán học về quyền chọn để bán các quyền chọn. Thay vì thế, các tay buôn chứng khoán khám phá những “suy nghiệm” bằng cách thử và nhận ra sai lầm. Rồi những điều này được giới học thuật quy chuẩn hóa thành các định luật và dạy dỗ cho các thế hệ người môi giới chứng khoán mới, khiến họ trở thành nô lệ cho lý thuyết, bỏ qua những hiểu biết đời thường và rốt cuộc làm nổ tung cả hệ thống.
Trong quyển Antifragile: Things That Gain from Disorder, tác giả Taleb, từng là một nhà môi giới chứng khoán và chuyên gia về xác suất, làm sáng tỏ quan điểm “chúng ta không đưa lý thuyết vào thực hành. Chúng ta tạo ra lý thuyết từ thực hành.” Đây là một chiêm nghiệm gây sửng sốt, mà xuyên suốt quyển sách Taleb áp dụng không chỉ vào lĩnh vực tài chính mà cả y khoa, khoa học và triết học. Những phương pháp điều trị thành công “đúc kết từ những suy nghiệm rút ra từ kinh nghiệm” đã phải chiến đấu với những lý thuyết giáo điều từ trên xuống.
Khám phá là một quá trình thử nghiệm và sửa sai, từ máy dệt thời Cách mạng công nghiệp đến việc tìm ra nhiều thuốc trị bệnh, chúng ta phải cám ơn quá trình chỉnh sửa và tiến hóa do tình cờ phát hiện, chứ đấy không là quá trình được thiết kế từ những nguyên tắc. Taleb đánh đổ hoàn toàn cái mà ông gọi là ý niệm dạy chim cách bay kiểu “Xô viết-Harvard” — tức những lý thuyết vận hành xã hội để xã hội vận hành.
Là một nhà triết học tự học, cuốn sách này của Taleb đầy ắp những câu chuyện và ý tưởng từ Hy Lạp cổ đại, đưa ông đến phát hiện — rằng tri thức và quá trình là hiện tượng từ dưới lên — và từ đó chuyển hóa thành một khái niệm trừu tượng: anti-fragility.
Có những thứ mỏng manh (tiếng Anh là fragile), như chiếc cốc thủy tinh, chỉ có thể tồn tại trước những cú sốc nhỏ. Có những thứ vững chắc, như tảng đá, tồn tại được trước những cú sốc lớn nhỏ. Nhưng vững chắc chỉ mới là khoảng giữa của dãy phân bố. Có những thứ anti-fragile, nghĩa là chúng thực sự hoàn thiện hơn qua những cú sốc, chúng sống mạnh nhờ biến động. Nền kinh tế là như thế: chính xác nhờ ý niệm “phá hủy để sáng tạo” của Joseph Schumpeter mà có sự cách tân, tiến bộ. Còn tác dụng ngầm của các chính sách là quá rõ: Rủi ro của chính sách giải cứu khiến nền kinh tế mỏng manh hơn.
Taleb nhận định rằng phần lớn lịch sử nhân loại bắt nguồn từ những biến cố Thiên Nga Đen, trong khi con người mải lo vun vén tri thức về những sự việc bình thường, và từ đó mải xây dựng những mô hình, lý thuyết và những miêu tả không có khả năng theo dõi hay đo lường được triển vọng của những biến cố bất thường. Taleb chỉ ra hầu hết các quan hệ nhân sinh (các hệ thống kinh tế, tài chính, ngân hàng, y học, ...) không bao giờ là quan hệ nhân quả tuyến tính giản đơn. Cuộc đời là một mê cung phức tạp hơn nhiều so với những gì thể hiện qua trí nhớ của ta – trí óc ta đã chuyển hóa lịch sử thành một điều gì đó bình lặng êm ái và tuyến tính, khiến ta đánh giá quá thấp tính ngẫu nhiên. Nhưng khi ta nhìn ra tính ngẫu nhiên, ta lo sợ và phản ứng thái quá. Do nỗi lo sợ này và niềm khao khát về trật tự, con người triền miên nỗ lực đưa mọi thứ về quan hệ tuyến tính bằng cách sử dụng thuật toán, phân tích dữ liệu lớn, phân tích thống kê... để thiết lập những hệ thống, cơ chế loại trừ mọi biến động và sai lầm. Đây giống như thể đè nén ung nhọt các thứ để có bình ổn và tăng trưởng có hạn và rồi không tránh khỏi ngày vỡ tung ung nhọt – vậy là khủng hoảng! Như đã thấy khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính,...
Không có từ tiếng Việt tương đương cho khái niệm mới này của Taleb, nên chỉ có thể từ việc đúc kết toàn bộ tư tưởng của tác phẩm, cùng với dịch giả Trần Thị Kim Chi, chúng tôi chọn diễn đạt tựa sách là Khả năng cải thiện nghịch cảnh.
Taleb viết trong phần mở đầu: “Tôi muốn sống hạnh phúc trong một thế giới mà tôi không am hiểu.” Và ông cực lực bảo vệ hạnh phúc đó (không chỉ của ông mà là của mọi con người bình thường trên đời) bằng cách vạch trần trong sách những sự việc và những nhân vật mà ông cho rằng bất lực và lừa dối trong những dự báo họ đưa ra. Liên quan đến nhiều nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel như Joseph Stiglitz, những tác giả như Thomas Friedman của Thế giới phẳng, nhiều lập luận phê phán của Taleb trong sách gây tranh cãi ghê gớm.
Trong tinh thần tôn trọng kiến thức uyên bác và quan điểm riêng của tác giả, dù có một số điểm không đồng tình nhưng Nhà xuất bản Trẻ xin giới thiệu bản dịch đầy đủ của Antifragile với mong muốn đem đến cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều, phản biện về những sự việc được đề cập trong sách này mà bạn đọc có thể đã từng tiếp cận qua nhiều tác phẩm khác, cũng được khen ngợi không kém. Chúng tôi tin rằng, cách tiếp cận nhiều chiều là một cách hay cho từng bạn đọc tự rút ra nhận thức toàn diện và đúng đắn để có thể sống hạnh phúc trong một thế giới mà ta không thể dự đoán biến cố Thiên Nga Đen nào sẽ xuất hiện — điều chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Taleb.






https://drive.google.com/file/d/1JymCmuim_sFriJXbdG40M3-w404upcO7/view?usp=sharing








0 nhận xét:

Đăng nhận xét

* Like và Share