Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Chúng Tôi Rao Giảng Một Đức Kitô Bị Đóng Đinh - Raniero Cantalamessa


Chúng Tôi Rao Giảng Một Đức Kitô Bị Đóng Đinh

Raniero Cantalamessa

Lm. Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ




LỜI NÓI ĐẦU

Có một ngày trong năm mà trọng tâm phụng vụ của Giáo Hội và cao điểm của nó không phải là Thánh Thể, nhưng là thập giá; không phải là bí tích, nhưng là biến cố, không phải là dấu chỉ, nhưng là biểu ý. Đó là Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày đó, chúng ta không cử hành Thánh lễ, nhưng chỉ chiêm ngắm và thờ lạy Đấng bị đóng đinh.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, cùng lúc tưởng niệm cả sự chết lẫn sự sống lại của Đức Kitô, như những khoảnh khắc của Mầu Nhiệm Vượt Qua duy nhất, thì rất mau chóng, Giáo Hội cảm thấy cần phải dành thời gian tưởng niệm cuộc Khổ Nạn, để làm nổi bật sự phong phú vô tận của lúc mà “mọi sự đã hoàn tất”. Do đó, ngay từ thế kỷ IV, nghi thức thờ lạy thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã được khai sinh, mà qua dòng thời gian, đã có một ảnh hưởng quyết định đến đức tin và lòng đạo đức của dân Kitô giáo.

Một ân sủng hoàn toàn đặc biệt được biểu lộ khắp nơi trong Giáo Hội ngày hôm nay. Chính là ngày “mầu nhiệm thập giá tỏa sáng – fulget crucis mysterium”, như một thánh thi phụng vụ đáng kính đã ca lên.

Những suy tư được đề ra trong cuốn sách này chính xác bắt nguồn từ bầu không khí và thời điểm đó. Đây là những chú giải bài trình thuật cuộc Khổ Nạn, được đưa ra trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, có mặt Đức Giáo Hoàng, trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, từ năm 1980 đến năm 2017. Những bài suy niệm được lặp lại ở đây theo thứ tự thời gian, ngoại trừ bài liên quan đến Đức Giêsu là “Chúa”, là của năm 1986, nhưng chúng tôi đặt lên đầu, dùng làm chìa khóa để đọc toàn bộ cuốn sách.

Được kết hợp với nhau, các bài này tạo thành một loại suy niệm kéo dài về Đấng bị đóng đinh, được sử dụng như một loại khởi giảng, công bố, hoặc theo cách chiêm niệm hơn, như các chặng của một đàng thánh giá đặc biệt, hoàn toàn tập trung vào Lời Chúa.

Các bài này có thể phục vụ hai mục tiêu: như những bài suy niệm về cuộc Khổ Nạn và như khởi điểm cho việc tân phúc âm hóa. Dù sao có điều chắc chắn là: cũng như thời Giáo Hội khai sinh, ngay cả ngày nay Phúc Âm sẽ không đi vào thế giới bằng “sự khôn ngoan của các diễn từ”, nhưng bằng sức mạnh của mầu nhiệm thập giá. Lời của thánh Phaolô, mà cuốn sách này kính cẩn làm vang vọng lại, bảo tồn tất cả ý nghĩa của nó như một chương trình: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn ngươi Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-24).



https://drive.google.com/file/d/1lpUM0YjNcHA-nztehRclviPbtstC9ldS/view?usp=sharing



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

* Like và Share