Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Chuyện người hành hương


LỜI NÓI ĐẦU 
  
            Đây là một tác phẩm lâu đời, đầy bí nhiệm, dạt dào tình yêu thương và hết sức lôi cuốn.  Nội dung là lời kể chuyện khiêm tốn của một Kitô hữu Nga với cha linh hướng của mình về cầu nguyện và chiêm nghiệm.  Trọng điểm là cách thế tu tập qua tâm trí, đến tâm hồn vào sâu trong tâm linh hiệp nhất với Thiên Chúa.

            Ban đầu, bản thảo cuốn này tới tay một đan sĩ Núi Athos (Hilạp) rồi được một đan viện trưởng nhà dòng Thánh Micae ở Kazan, Nga, chép lại và sau đó cho in thành sách năm 1884.  Từ bấy đến nay, sách được xem là một một đóng góp vô giá vào việc sống đạo, vì tình yêu thương Thiên Chúa và sự cứu rỗi linh hồn.  Tại Việt nam, sách được đề cập tới trong vài tài liệu tôn giáo và giáo trình ở tu viện và chủng viện, nhưng chưa lưu hành rộng rãi bản tiếng Việt nào. 
            Câu chuyện bắt đầu với chỉ thị từ Tân Ước rằng Kitô hữu phải làm điều trước hết và trên hết là cầu nguyện không ngừng, mọi nơi, mọi lúc và còn phải cầu nguyện cho nhau.  Nhưng lý do và ý nghĩa của việc cầu nguyện đó ra sao.  Làm cách nào thực hiện việc cầu nguyện đó giữa cuộc sống lao động và hợp quần trong thời đại ngày nay.  Và nếu mệnh lệnh ấy quả thật không thi hành được thì nó đã không xuất phát từ Kinh Thánh.  Câu trả lời sẽ từ từ hiện ra theo từng chữ mà người giáo dân Nga này chân thành viết lại. 
            Cuốn sách đầy ắp những ghi chép mộc mạc, tỉ mỉ và tuần tự theo bước chân của người hành hương lang thang khắp nước Nga và Tây bá lợi á để trong khi thăm viếng các tu viện và các đền thánh, được sống ở những nơi vắng vẻ mà học tập và “cầu nguyện không ngừng.”  Xen kẽ các tường thuật về những nếm trải của bản thân, hành giả còn kể lại các chứng nghiệm và ý kiến của những kẻ từng ngã lòng trông cậy và các bậc hiền giả một đời dày công tu tập.  
            Xuôi dòng chuyện kể của tác giả, ta cơ hồ được nếm mùi vị cuộc sống hân hoan trong ơn sủng vô ngần của Thiên Chúa xuống cho người hiệp thông với Ngài và yêu thương người bên cạnh.  Ta còn được làm quen với truyền thống chiêm nghiệm tịch lặng, người Kitô hữu Nga chân chất, những Giáo phụ thánh thiện và các đan sĩ đạo hạnh... Đặc biệt, hình ảnh nổi bật là Giáo hội Đông phương, nơi có truyền thống tâm linh phong phú, cao nhã, tuyệt vời và những gương phước đạo hạnh sâu xa...  Đồng thời, ta còn có cơ hội tuân phục ý chỉ của Thánh Công Đồng Vatican II: "Mọi người đều biết rằng: thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức rất phong phú của các tín hữu đông phương là việc tối quan trọng để trung thành bảo toàn truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự giao hòa các Kitô hữu Đông phương và Tây phương." (Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất, số 15). 
            Nhan đề của cuốn “Chuyện Người Hành Hương” này trong nguyên tác tiếng Nga có nghĩa là “Chuyện Kể Chân Thật Của Một Người Hành Hương Cho Cha Linh Hướng Của Mình.”  Các sự kiện kể trong sách xảy ra trước cuộc giải phóng nông nô tại Nga năm 1861 và trong cuộc chiến tranh Crimea năm 1853.  Bản dịch tiếng Pháp là “Les Récits d'un Pèlerin Russe” (Những Chuyện Kể Của 
Một Khách Hành Hương Người Nga) và nhiều bản dịch tiếng Anh, trong đó nổi tiếng là “The Way of a Pilgrim and The Pilgrim Continues His Way” (Con Đường Của Người Hành Hương và Người Hành Hương Tiếp Tục Con Đường Mình) của  Helene Bacovsin và một bản cùng tên do R.M. French dịch với lời dẫn nhập của Huston Smith, một hành giả và học giả nổi tiếng về các tác phẩm tôn giáo đối chiếu.  Trong bản tiếng Việt này, chúng tôi có soạn thêm phần Phụ Lục, chỉ để làm rõ nghĩa hơn một số từ vựng và cung cấp vắn tắt tiểu sử các Giáo phụ và các nhà văn có tên trong sách. 
Toronto, Canada 
Nguyễn Ước 
Mùa Giáng Sinh








0 nhận xét:

Đăng nhận xét

* Like và Share